Sự phát triển của khoa học kỹ thuật khiến các bé mầm non tiếp xúc và phụ thuộc ngày càng nhiều vào các sản phẩm công nghệ cao như smartphone. Do đó, cha mẹ cần có cách ứng xử phù hợp để hạn chế thói quen tiêu cực này ở trẻ.
Những năm gần đây, xu hướng sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) ở trẻ nhỏ ngày càng tăng cao, có xu hướng ngày càng dịch chuyển xuống các lứa tuổi mầm non và nhỏ hơn. Kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa, Giáo dục và Đời sống xã hội cho thấy: 78% trẻ em Việt Nam dưới 6 tuổi ở thành thị đã tiếp cận với các thiết bị công nghệ số (điện thoại, máy tính bảng, laptop…).
Điều đáng nói là đa số trẻ sử dụng từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Nhiều phụ huynh có thói quen dùng các thiết bị số để dỗ trẻ ngồi yên, không làm phiền người lớn.
Một nghiên cứu của Đại học Northwestern (Hoa Kỳ) cho biết: Những người tập trung vào điện thoại di động 68 phút mỗi ngày trở lên có nguy cơ bị trầm cảm, do ít giao tiếp. Trẻ em sử dụng điện thoại thời gian dài cũng dễ rơi vào cảm xúc tiêu cực, làm suy giảm thị lực cũng như ảnh hưởng tới não bộ. Một hậu quả nặng nề khác là tạo ra sự thiếu chú ý và rối loạn tăng động.
Việc sử dụng smartphone thiếu kiểm soát khiến trẻ dễ “nghiện”, đặc biệt là các bé mầm non. Điều đó mang lại nhiều hậu quả về tinh thần và thể chất cho bé. Bé dần trở nên trì trệ và lười vận động, dễ dẫn đến các bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch… Bé có nguy cơ xao nhãng học tập, bị ám ảnh bởi các xu hướng bạo lực, đồi trụy, chìm đắm vào thế giới ảo và ngần ngại giao tiếp trong cuộc sống thực.
Các thiết bị điện tử làm giảm khả năng sáng tạo và khiến bé dễ mắc các bệnh thị lực. Ngoài ra, một số bé có thói quen nhắn tin, gọi điện bừa bãi gây tốn kém cho cha mẹ.
“Nghiện” smartphone hầu như có thể xảy ra ở mọi độ tuổi chứ không riêng gì các bé mầm non. Nếu muốn bé không bám chặt với chiếc điện thoại suốt ngày thì ba mẹ phải là người làm gương cho bé. Khi ở nhà, hãy cất điện thoại ở chỗ không nhìn thấy và dành nhiều thời gian bên con hơn.
Bé đang ở tuổi mầm non hầu như không tự kiểm soát & quản lý được việc sử dụng smartphone. Do vậy, ba mẹ cần quy định rõ ràng với bé điều kiện và thời gian dùng smartphone trong ngày. Ví dụ: chỉ được dùng 30 phút sau khi đã hoàn thành bài tập về nhà.
Cần kiên quyết thu hồi máy đúng thời gian quy định. Nếu bé khóc lóc ăn vạ cũng không “du di” hay nhân nhượng. Điều đó sẽ tạo cho bé thói quen ỷ lại, không tôn trọng các quy tắc đã được thiết lập. Không để bé cầm theo smartphone khi đi ngủ. Chỉ đưa lại cho bé vào đúng thời gian đã thỏa thuận trong ngày.
Bé mầm non thấy những thứ hấp dẫn, mới lạ rồi bị cuốn hút và “nghiện smartphone”. Bé chưa đủ kiến thức để hiểu được dùng điện thoại nhiều sẽ gây hậu quả gì. Vì vậy, ba mẹ hãy thử kiên nhẫn trò chuyện với con. Hãy phân tích cho bé hiểu nếu dùng điện thoại nhiều thì sẽ gây hại đến mắt ra sao.
Bé ở độ tuổi nào cũng thích được khen thưởng, sao ba mẹ không thử cách “thách thức & trao thưởng” nếu con của mình có thể giảm được thời gian sử dụng smartphone hay thậm chí là bỏ luôn. Một vài món quà để khích lệ tinh thần khi bé chủ động giảm thời gian dùng smartphone hằng ngày. Đó có thể là bé yêu thích như một bộ đồ chơi mới, một món ăn, … Bé sẽ nhận ra niềm vui của việc được nhận quà lớn hơn việc sử dụng smartphone tới dường nào!
Quá trình “cai nghiện” smartphone cho bé mầm non không dễ dàng hay có hiệu quả tức thì. Ba mẹ cần kiên trì, quyết tâm & dành nhiều tình thương yêu để làm gương cho con, giúp bé dần từ bỏ smartphone để trải nghiệm, khám phá nhiều hơn trong cuộc sống thực đầy ý nghĩa. Worldkids hi vọng rằng qua bài viết này, ba mẹ sẽ có thêm động lực & giải pháp giúp bé “Cai” smartphone hiệu quả cũng như để bé không rơi vào thói quen “nghiện” các thiết bị công nghệ điện tử.
Với sự giúp đỡ của giáo viên và môi trường với tư cách là người thầy thứ ba, học sinh có cơ hội để tự tin chấp nhận rủi ro.